Trang phục truyền thống của phụ nữ người Kinh

Dân tộc Kinh là tộc người có số lượng đông nhất với nền văn hóa đa dạng nhất Việt Nam. Trang phục của người Kinh phong phú về chủng loại và độc đáo về kiểu dáng cũng như phong cách mặc ở từng vùng, miền khác nhau. 
 

Trang phục truyền thống của phụ nữ người Kinh - ảnh 1


Trong bức tranh rực rỡ muôn màu của trang phục 54 dân tộc Việt Nam, trang phục phụ nữ người Kinh như một nét chấm phá độc đáo, riêng biệt. Một trong những y phục trước đây người phụ nữ bình dân, đặc biệt là những người phụ nữ nông thôn ở miền Bắc Việt Nam mặc phổ biến cho đến đầu thế kỷ XX là bộ áo tứ thân. Đây là trang phục thường ngày của họ. Áo được may bằng bốn khổ vải hẹp, với hai vạt trước không cài khuy mà chỉ vắt chéo và được giữ lại bằng cái thắt lưng quanh bụng. Hai vạt áo bao giờ cũng để hở một phần ngực, được che bằng yếm, thường may bằng lụa trắng hoặc để màu ngà tự nhiên của sợi tơ. Chiếc áo yếm giúp người phụ nữ có thể khoe vẻ đẹp hình thể gồm cả bờ vai trần thon thả và tấm lưng ong quyến rũ. Chị Phạm Bích Hằng, chuyên viên phòng Truyền thông Giáo dục, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, cho biết: “Bộ áo tứ thân gồm có bốn mảnh, hai mảnh phía sau được may lại ở giữa sống lưng và hai thân ở phía trước thì được buộc lại với nhau và sau đó thì thắt bằng các dải lụa màu tạo nên sự tha thướt và sự duyên dáng cho người phụ nữ khi mặc. Kết hợp với áo tứ thân thì luôn luôn phải có yếm, có khăn mỏ quạ, trên đầu thì đội chiếc nón quai thao. Hình ảnh đó được giữ cho đến tận ngày nay ở những liền chị quan họ vùng Kinh Bắc”.
 

Trang phục truyền thống của phụ nữ người Kinh - ảnh 2
Áo tứ thân - trang phục phổ biến của phụ nữ vùng Kinh Bắc 


Cùng bộ áo tứ thân là chiếc khăn mỏ quạ được đem gấp chéo sao cho khéo và cân đối thành hình tam giác, bẻ hình mỏ quạ chính giữa đường ngôi trên đầu, bắt hai góc khăn về hai phía tai rồi thắt múi ở gáy. Chiếc nón quai thao với kích thước khá lớn, khi đội che rợp cả khuôn mặt người đội, tạo nên một không gian rộng, thoáng và mát, khi khoác ở tay để tôn thêm vẻ đẹp duyên dáng của phụ nữ người Kinh.

Chiếc áo bà ba lại luôn luôn gắn liền với phụ nữ Nam bộ. Người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long ngày xưa thường vận bộ bà ba đen đi đồng, bởi nó vừa sạch, vừa dễ giặt giũ. Vải may là loại vải rất mau khô sau khi giặt. Bên cạnh đó, chiếc áo bà ba được xẻ ở hai bên hông làm cho người mặc cảm thấy thoải mái, gần vạt áo có thêm hai túi to khá tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ như diêm quẹt, tiền bạc... Chính nhờ tính tiện dụng và sự thoải mái đó, chiếc áo bà ba được mặc cả lúc đi làm, đi chợ, đi chơi. Theo chị Phạm Bích Hằng: “Chiếc áo bà ba được thiết kế phù hợp với môi trường sông nước của vùng đồng bằng Nam Bộ. Những người nông dân ở đây thường mặc những bộ áo bà ba màu đen hay màu nâu và nó rất thuận tiện. Những người phụ nữ Nam Bộ khi mặc những chiếc áo bà ba thì thường kết hợp với một chiếc khăn rằn được  thiết kế thường có những ô vuông hai màu xen kẽ với nhau. Chiếc khăn rằn được quàng nhẹ trên bờ vai, càng làm tôn lên vẻ đẹp mộc mạc của người phụ nữ ở Nam Bộ”.     
 

Trang phục truyền thống của phụ nữ người Kinh - ảnh 3
Áo bà ba và khăn rằn tạo nên nét riêng của phụ nữ Nam Bộ


Sau này, áo bà ba truyền thống được phụ nữ thành thị cải tiến, vừa dân tộc, vừa đẹp và hiện đại hơn. Áo dài bà ba hiện nay không thẳng và rộng như xưa, mà được may hẹp, nhấn thêm eo bụng, eo ngực cho ôm sát lấy thân hình. Ngoài ra, người ta còn sáng tạo các kiểu chắp vai, cổ tay, cửa tay, riêng các kiểu bâu (cổ) lá sen, cánh én, đan tôn... là được tiếp thu từ kiểu y phục nước ngoài. Các kiểu ráp tay cũng được cải tiến. Từ kiểu may áo cánh xưa, liền thân với tay, người ta nghĩ tới cách ráp tay rời ở bờ tay áo. Trong những năm 1970, thành thị miền Nam phổ biến kiểu ráp tay tạo nên vẻ đẹp hiện đại cho chiếc áo dài bà ba truyền thống. Với kiểu vai này, hai thân áo trước và sau tách rời khỏi vai và tay áo, trong khi tay và áo lại liền từ cổ tới nách. Bà ba chỉ cần may khít, vừa vặn với eo lưng, không quá thắt như kiểu áo trước đó. Tay áo dài hơn nhưng hơi loe, có khi người ta bỏ cả hai túi ở vạt trước để tạo cho thân áo nhẹ nhõm, mềm mại hơn.  

Nói đến trang phục truyền thống của phụ nữ Việt thì không thể không nhắc đến tà áo dài. Dù ở đâu thì phụ nữ người Kinh cũng rất tự hào về hình tượng chiếc áo dài truyền thống. Áo dài được thiết kế thon gọn, ôm sát cơ thể, có cổ cao. Hai tà trước và sau của áo dài kéo từ cổ xuống mắt cá chân và trùm lên chiếc quần ống rộng có gấu chạm đất.
 

Trang phục truyền thống của phụ nữ người Kinh - ảnh 4
Áo dài xưa...

 


Bà Lê Thị Quyến, chủ cửa hàng áo dài Vinh Trạch, 23 Lương Văn Can, Hà Nội, người có kinh nghiệm 60 năm trong nghề may áo dài, cho biết: “Ngày xưa, áo dài may liền vai, khuy phải đơm. Cổ áo cao nhưng không cao như bây giờ, chỉ khoảng 3cm. Tay áo can ở chỗ trên khỉu tay một chút. Áo khép tà và to tà hơn cho khoe tà. Áo liền vai trông vai trên vuông, không ngót vai như áo raglan nhưng trông vẫn eo, trên vai trông vẫn nở. Giờ may áo kiểu raglan thì đơn giản hơn. Áo dài tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ trông dáng eo, mềm mại”.
 

Trang phục truyền thống của phụ nữ người Kinh - ảnh 5
Và áo dài nay


Khi mặc áo dài, người phụ nữ thường để tóc dài vấn khăn thành vành tròn trên đầu, ngoài trùm khăn hoặc đội nón thúng, trong khi đó, các thiếu nữ lại búi tóc đuôi gà cho trẻ trung và hiện đại hơn. Chất liệu may áo dài khá phong phú và đa dạng, được kết hợp từ những tấm vải mẫu và thường trang trí bằng những đường nét thủ công hoặc thêu hoa văn. Chị Phạm Bích Hằng cho biết: “Tà áo dài tượng trưng cho tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam. Họa sĩ Cát Tường là người đã biến tấu từ áo tứ thân thành  áo dài ngày nay. Trải qua những biến động lịch sử cùng với sự du nhập của khuynh hướng thời trang phương Tây, áo dài đã có rất nhiều sự cải tiến theo từng trào lưu nhất định. Tuy nhiên, đến ngày nay, chiếc áo dài vẫn giữ được nét đẹp truyền thống và tôn lên được nét đẹp cũng như vóc dáng, vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ Việt”.

Trải qua hàng nghìn năm phát triển, trang phục của phụ nữ người Kinh đã mang đậm những đường nét, màu sắc và thiết kế đặc trưng. Những giá trị văn hóa độc đáo ấy luôn cần được phụ nữ người Kinh mang theo trong hành trình hòa nhập vào cuộc sống hiện đại cùng các dân tộc khác ở Việt Nam và trên thế giới./.    

key:comment