Nhật Bình - Áo Tấc: Cơn sốt cổ phục Việt

Thời đại hội nhập, phong cách thời trang của giới trẻ dần “sính ngoại", việc chọn lựa cho mình chiếc áo dài đậm chất Á Đông đã không còn là ưu tiên của nhiều quý cô. Nhưng người con gái Việt luôn toát ra vẻ dịu dàng, ngọt ngào nhất mỗi khi khoác lên mình tà áo dài thướt tha. 

Bên cạnh áo dài trắng tinh khôi hay áo dài màu tím đã tạo nên "thương hiệu" của mảnh đất Cố Đô thì thời gian gần đây khá nhiều bạn trẻ lựa chọn Nhật Bình - Áo Tấc đầy sang trọng để chụp những bộ ảnh với bối cảnh kinh thành Huế ngày xưa khá độc đáo.

Nhật Bình - Áo Tấc: Nét đẹp quý phái cổ phục Việt 

Trong khoảng 60 năm vừa qua, áo Nhật Bình hầu như đã mất dầu tích trong đời sống người Việt. Loại áo cổ phục này hầu như không được phổ biến như áo dài và rất hiếm có dịp nhìn thấy ngoài các chuyến tham quan lăng tẩm ở Huế hoặc Festival Huế tổ chức.

Theo "Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ" thì áo Nhật Bình được quy định là thường phục cho Hậu Phi, Công chúa.

Áo Nhật Bình có nguồn gốc từ áo Đối Khâm Phi Phong đời Minh là dạng áo Đối Khâm có cổ hình chữ nhật to bản, dùng dây buộc 2 vạt áo.

Do hoa văn ở cổ áo khi ghép lại tạo thành một hình chữ nhật ngay trước ngực người mặc, nên áo này gọi là áo Nhật Bình. Khắp thân áo trang trí theo thể thức hoa văn chính là dạng hình tròn khép kín, rải rác khắp áo đan xen với các hình phượng múa, hoa lá đính thêm các hạt tuyến lấp lánh. Ở tay áo đặc biệt có dải màu ngũ hành; lục, vàng, xanh, trắng, đỏ. Tuy nhiên quy chế dãy màu này lại không áp dụng trên loại áo Nhật Bình của bậc Hậu.

Vào thời Gia Long và Minh Mạng, quy chế còn đủ đầy, áo Nhật Bình thường phối với một bộ Xiêm y màu tuyết bạch, đội mũ Phượng tùy thứ bậc. Tuy nhiên về sau, nhất là từ thời Đồng Khánh trở đi, trang phục này thường phối với quần ống trắng và vấn khăn vành to bản, cho thấy quy chế thời kỳ cuối nhìn chung ở cung đình đã tối giản hơn hẳn.

Sau khi thời Nguyễn kết thúc, bộ áo này trở thành bộ áo trang trọng của giới quý tộc được mặc vào một số dịp lễ và nhất là ngày cưới.

Bên cạnh Nhật Bình, Áo Tấc cũng là một loại cổ phục Việt đứng năm thân, tay thụng, cả phái nam và nữ đều mặc được. Vào thời Nguyễn, hầu hết các tầng lớp từ dân cho đến quốc chủ đều có thể lựa chọn Áo Tấc để mặc vào các dịp trang trọng. 

Image result for áo tấc

Làm sống lại nét đẹp văn hoá tại Kinh Thành Huế

Kinh thành Huế từ lâu được biết đến với nhiều lễ hội mang đậm dấu ấn về bản sắc văn hóa. Vì vậy, đây là địa điểm lý tưởng để tạo nên một bộ ảnh “để đời" với cổ phục Việt. Chàng sinh viên y khoa Trương Ngọc Hải và người mẫu ảnh Đỗ Nguyễn Ngọc Anh cũng thực hiện ngay một bộ ảnh với Nhật Bình - Áo Tấc cổ phục Việt tại bối cảnh kinh thành Huế nơi cậu đang sinh sống học tập khiến không ít người xem phải xuýt xoa, khen ngợi. Đây cũng là một cách để giới trẻ thể hiện sự trân trọng các giá trị văn hoá của nước nhà. Một việc làm nhỏ nhưng có thể góp phần truyền thừa các giá trị truyền thống cao quý cho các thế hệ sau này.  

Ảnh chụp cổ phục Việt của người mẫu ảnh Đỗ Nguyễn Ngọc Anh
Người mẫu ảnh: Đỗ Nguyễn Ngọc Anh

Sau đó, nhiều trang facebook đã lập ra về cổ phục Việt - là nơi giao lưu trao đổi các kiến thức cần thiết cho những ai muốn tham gia cuộc thi khôi phục lại nét đẹp xưa. Hiện tại, YAN đã phối hợp cùng đội ngũ bạn trẻ của tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức cuộc thi “Huế ơi" nhằm chia sẻ rộng rãi đến với bạn bè trong và ngoài nước những thông tin đời sống, nhịp sống và phong cách sống chuẩn xứ Huế. 

key:comment