Nét độc đáo trong trang phục của người Dao Đỏ

Net doc dao trong trang phuc cua nguoi Dao Do o Tuyen Quang hinh anh 1

Trang phục của người Dao Đỏ tỉnh Tuyên Quang

Việc công nhận Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ ở Tuyên Quang là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có ý nghĩa lớn trong việc tôn vinh giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc.

Đồng bào người Dao ở Tuyên Quang hiện có khoảng 90.600 người, với 9 ngành Dao, trong đó người Dao Đỏ sống tập trung chủ yếu ở xã Sơn Phú, Sinh Long, Năng Khả…(huyện Na Hang) và xã Thổ Bình (huyện Lâm Bình).

Đối với người Dao Đỏ, trang phục là một trong những chi tiết quan trọng đầu tiên để nhận biết và phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác.

Tuyên Quang có 9 ngành Dao, mỗi ngành mang bản sắc văn hóa riêng, đặc biệt là trang phục. Với sự tinh tế trong cách ăn mặc, phụ nữ người Dao đỏ tạo ra những nét riêng trong cách bài trí trang phục, không thể lẫn với bất cứ dân tộc nào.

Ở Tuyên Quang, người Dao đỏ thường sinh sống ở một số xã thuộc huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Lâm Bình, Hàm Yên. Với người phụ nữ Dao đỏ, chuyện ăn mặc rất được coi trọng, thể hiện sự sáng tạo, tinh tế trên từng đường kim, mũi chỉ.

Những cô gái ở độ tuổi lên chín, lên mười đã được các bà, mẹ truyền dạy may vá thêu thùa. Và khi đến tuổi “cập kê” cũng là lúc các thiếu nữ biết làm những trang phục đẹp cho riêng mình.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ bao gồm áo, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và các đồ trang sức khác đi kèm. Mỗi trang phục có 5 màu cơ bản: Đỏ, xanh, trắng, vàng, đen, trong đó chủ yếu là màu đỏ. Theo quan niệm của người Dao đỏ, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ và tạo ra năng lượng tích cực cho con người.

Chiếc áo là điểm nhấn và là phần quan trọng nhất của bộ trang phục. Người Dao đỏ thường dùng vải lanh nhuộm chàm để may trang phục. Công đoạn nhuộm chàm khá cầu kỳ đòi hỏi sự kiên trì và kinh nghiệm.

Net doc dao trong trang phuc cua nguoi Dao Do o Tuyen Quang hinh anh 2

Trình diễn trang phục của người Dao Đỏ

Để nhuộm vải, đồng bào dùng cao chàm được làm từ việc ngâm cây chàm, lọc, cho thêm vôi bột, nước tro bếp. Cao chàm được hòa tan với nước đun sôi cùng lá ngải để nguội, pha thêm ít nước tro và rượu, khuấy đều. Để vải có màu đẹp và bền, đồng bào nhuộm vào tháng 7, tháng 8 vì thời điểm này tiết trời khô ráo, vải mau khô và bắt màu tốt.

Trước khi nhuộm phải đem ngâm thật kỹ để hết hồ thì lúc nhuộm mới dễ bắt màu và không bị loang lổ. Khi nhuộm, tấm vải được nhấn chìm trong nước, dùng chân đạp thật kỹ để vải thấm màu chàm. Ngâm vải khoảng 1 giờ, rồi đem phơi khô. Để vải có màu chàm như ý thường phải mất 20 ngày trở lên để nhuộm và phơi khô nhiều lần....

Phụ nữ người Dao thường chỉ mặc áo dài có màu đen hoặc màu chàm. Họ thêu kín các họa tiết trang trí bằng chỉ màu đỏ để nẹp cổ liền với ngực thân áo. Đặc biệt, hai đầu của nẹp ngực được đính nhiều chuỗi hạt cườm và tua đỏ sặc sỡ.  Gắn liền với những chiếc áo dài, phụ nữ Dao đỏ mặc những áo con bên trong. Những chiếc áo con này giống như những cái yếm để che kín phần ngực và bụng, yếm có những đường thêu bằng chỉ trắng hoặc vàng. Mỗi thân áo được đính một dải vải nhỏ để làm dây buộc phía sau lưng.

Nét đặc sắc trong trang phục người Dao đỏ không thể thiếu những họa tiết hoa văn trang trí. Chị Phàn Thị May, thôn 5 Thuốc Hạ, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên chia sẻ, người phụ nữ Dao đỏ có cách thêu rất độc đáo, không theo mẫu mà thêu theo trí tưởng tượng của mình.

Với môtíp là những hình ảnh quen thuộc, gần gũi với đời sống như hoa lá, cỏ cây, rừng núi, loài động vật... Do đó, mỗi bộ trang phục khác nhau ở hoa văn, người thêu luôn cố gắng sắp xếp hài hòa, tinh tế trong việc sử dụng màu sắc, bố cục sao cho hài hòa, tươi sáng.

Để biết được độ tinh xảo, kỹ thuật thêu cầu kỳ phải kể đến chiếc quần. Phía trên quần màu đen tuyền, không có hoa văn, nhưng ở phía dưới, họa tiết được thêu rất tỷ mỷ. Những hoa văn trang trí ở hai ống quần thường là hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ, vàng, trắng hay hình cây thông, hình quả trám... tạo nên sự cân đối hài hòa cho toàn bộ trang phục.

Khăn đội đầu là một trong những điểm không thể thiếu của phụ nữ người Dao. Khăn được trang trí bằng nhiều họa tiết như cây vạn hoa, hình cách đoạn, hình vết hổ... Khi đội lên đầu, các hoa văn họa tiết sẽ phô ra ngoài, làm tăng thêm vẻ đẹp của chiếc khăn.

Trang phục người Dao đỏ ở mỗi địa phương cơ bản đều giống nhau, tuy nhiên cũng có những điểm khác biệt tạo nên sự phong phú, đa dạng trong sắc màu văn hóa Dao. Trong đó, có sự khác biệt trong cách mặc, vấn khăn, xà cạp và thêm bớt các chi tiết...

Điển hình như trang phục người Dao đỏ ở một số nơi thường có chuỗi quả bông len hình tròn màu đỏ treo trước ngực. Số lượng và kích cỡ tùy quan niệm mỗi vùng. Nếu ở Hùng Mỹ, Phúc Sơn (huyện Chiêm Hóa) có 9 quả bông, kích cỡ lớn thì ở Sơn Phú (huyện Na Hang) có 11 quả bông, kích cỡ bé hơn. Trang phục người Dao ở Bạch Xa, Tân Thành, Minh Khương (huyện Hàm Yên ) chỉ có những tua rua màu đỏ quanh viền áo trước ngực.

Phụ nữ Dao đỏ ở Tuyên Quang thường tự tay làm trang phục với các công đoạn rất tỷ mỷ, đòi hỏi sự kiên trì và khéo léo. Trước khi về nhà chồng, các cô gái Dao đỏ thường được “đặc cách” ở nhà tập trung cho việc thêu thùa, khâu vá, hoàn thành bộ trang phục của riêng mình.

Cùng thời gian, bộ trang phục sẽ theo họ đi suốt cuộc đời. Và khi qua đời, bộ trang phục sẽ được chôn theo để người mất được tổ tiên đón nhận.

Việc bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc hiện luôn được được cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh Tuyên Quang đặc biệt quan tâm.

Hằng năm, các địa phương thường tổ chức các cuộc liên hoan, trình diễn trang phục của các dân tộc nhằm khôi phục và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Tỉnh Tuyên Quang đang phát triển du lịch theo hướng khai thác điểm đến du lịch gắn liền với bảo vệ và phát huy đặc trưng của cộng đồng địa phương. Do vậy, việc gìn giữ bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc Dao Đỏ là việc làm hết sức có ý nghĩa.

key:comment