Hồ Tây – Hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội
Hồ Tây trước kia có nhiều tên gọi khác như Đầm Xác Cáo, Hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là hồ nước tự nhiên lớn nhất trong nội thành Hà Nội. Mỗi tên gọi này của hồ lại gắn liền với những sự tích khác nhau.
Hồ Tây Hà Nội
Hồ Tây quyến rũ không chỉ bởi mặt nước mênh mông, của sắc tím bằng lăng, cánh hoa phượng hồng đỏ khi hè về, cái buồn man mác của không gian, của hàng liễu rủ ngày đông… mà Hồ Tây còn đẹp bởi nó như người bạn lắng nghe những tâm sự buồn vui của biết bao con người.
Có thể nói rằng Hồ Tây là góc lãng mạn nhất trong bức tranh Hà Nội đa màu; là thế giới của sự trong trẻo, phóng khoáng và đầy thơ mộng. Bởi vậy mà bấy lâu nay nó luôn vẫn là nguồn cảm hứng bất tận của các nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ… với nhiều bài hát, bài thơ làm nao lòng người.
Những địa điểm du lịch nổi tiếng gần Hồ Tây
Chùa Vạn Niên
Nằm ở đường Lạc Long Quân, thờ Phật và Bà chúa Liễu Hạnh, chùa Vạn Niên có phong cách kiến trúc thời Nguyễn với mặt bằng có tam quan, chùa chính và điện mẫu. Chùa đã trải qua hơn ngàn năm tồn tại và là một trong những ngôi chùa lâu đời nhất Hà Nội. Ngoài ra, chùa Vạn Niên còn sở hữu một bộ di vật gồm hơn 40 pho tượng tròn và 10 đạo sắc phong thần từ thời nhà Lê, Tây Sơn. Chính điều này đã biến ngôi chùa không chỉ là một địa điểm tâm linh mà còn là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của nước ta.
Ngôi chùa cổ kính (Ảnh: ST)
Chùa Vạn Niên nhìn từ hồ Tây (Ảnh: ST)
Chùa Thiên Niên
Tọa lạc tại phường Bưởi, quận Tây Hồ, chùa Thiên Niên thờ Phật và thờ bà Phạm Thị Ngọc Đô, thứ phi của vua Lê Thánh Tông và cũng là người đã truyền nghề dệt lĩnh cho nhân dân trong vùng. Ngôi chùa này tuy không có kiến trúc đồ sộ hay nhiều di vật như những ngôi chùa khác nhưng vẫn thu hút rất đông người hành hương và Phật tử về.
Thiên Niên Tự (Ảnh: ST)
Chùa Võng Thị
Chùa Võng Thị được xây dựng dưới thời vua Lý Nhân Tông và là một ngôi chùa đã chứng kiến nhiều chiến tích chiến tranh. Nơi đây thờ vị Đô Úy của triều Lý Nhân Tông tên là Mục Thận. Trải qua thời gian, ngôi chùa dường như đã bị tàn phá quá nhiều và phải trùng tu rất nhiều lần. Đến nay, ngôi chùa đã được công nhận là một Di tích lịch sử -văn hóa cấp Quốc gia của nước ta.
Chùa Võng Thị (Ảnh: ST)
Đền Quán Thánh
Đền Quán Thánh nằm ở góc đường Thanh Niên và phố Quán Thánh ngay gần hồ Tây. Nơi đây thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ, người giữ chức vụ trấn hướng Bắc của kinh thành Thăng Long. Kiến trúc của đền Quán Thánh được xây dựng theo Trung Quốc trong đó bao gồm: tam quan, sân, ba lớp nhà tiền đế, trung đế, hậu cung.
Cổng ngoài của đền nằm ở đường Thanh Niên. Cổng có bốn cột trụ với hình tượng bốn con phượng hoàng đang đấu lưng với nhau và một con nghê ở ngay trên đỉnh. Hai bên là hai bức bình phong đắp nổ cói hình mãnh hổ hạ sơn, phía trên là tượng đắp nổi hình cá hóa rồng còn các mặt trước và sau của bốn cột trụ thì được trang trí bởi những cặp câu đối đỏ.
Đền Quán Thánh ở Tây Hồ (Ảnh: ST)
Phủ Tây Hồ
Phủ Tây Hồ nổi tiếng là một trong những chốn linh thiêng nhất trong các đình chùa ở Hà Nội. Nằm ở bán đảo lớn giữa hồ Tây, thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, phủ thờ Liễu Hạnh Công chúa (Thánh Mẫu), một nhân vật trong truyền thuyết, và là một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng của người Việt. Hàng năm, khách hành hương đổ về đây rất đông sau thời khắc giao thừa để đi lễ Mẫu, cầu cho một năm tốt lành, vạn sự như ý và được thưởng ngoạn cảnh đẹp hồ Tây.
Phủ Tây Hồ (Ảnh: ST)
Chùa Tảo Sách
Chùa Tảo Sách tọa lạc tại đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ. Tương truyền, chùa được lập nên từ thời vua Trần Thánh Tông để nhân dân thờ phụng hoàng tử Linh Lang, người đã có công đánh quân Nguyên Mông. Đây cũng là nơi mà hoàng tử đã từng ở ngâm vịnh thi phú, đọc sách, rèn văn luyện võ mỗi ngày.
Kiến trúc của ngôi chùa theo phong cách dân gian, bao gồm: tam quan, gác chuông, nhà thờ Tổ, trai phòng, nhà thờ Mẫu, điện thờ Đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Ngoài ra, chùa còn là nơi lưu giữ rất nhiều tư liệu Hán Nôm và di vật có giá trị. Ngôi cổ tự của Hà Nội này vẫn giữ được vẻ cổ kính, trang nghiêm của Phật giáo, thu hút nhiều du khách và sỹ tử đến vãn cảnh, đọc sách.
Chùa Tảo Sách (Ảnh: ST)
Chùa Trấn Quốc
Là ngôi chùa nổi tiếng nhất Hà Nội bởi lối kiến trúc đặc biệt cùng địa thế nằm trên một hòn đảo xanh ở hồ Tây, chùa Trấn Quốc cũng là ngôi chùa cổ nhất Thủ đô với hơn 1500 tuổi và là trung tâm Phật giáo của Thăng Long – Hà Nội. Báo Daily mail của Anh cũng đã bình chọn đây là ngôi chùa lọt vào danh sách 16 ngôi chùa đẹp nhất trên thế giới.
Ngôi chùa Trấn Quốc linh thiêng nằm nghiêng nghiêng bên hồ (Ảnh: ST)
Chùa Trấn Quốc nhìn từ trên cao (Ảnh: ST)
Bến Hàn Quốc
Bến Hàn Quốc là một đoạn đường có độ dài vài trăm mét từ dự án kè Hồ Tây đang bị bỏ dở. Nơi đây là địa điểm thả diều vô cùng yêu thích của các trẻ em khu Nhật Tân, Quảng Bá mỗi buổi chiều. Điểm đặc biệt của con đường này là những bức hình graffiter sinh động ghi dấu những câu chuyện tình yêu của các bạn trẻ, các bạn học sinh, sinh viên. Đây cũng là điểm hẹn hò tuyệt vời của các cặp đôi với khung cảnh thoáng đãng, gần hồ sen, xa xa là vòng quay khổng lồ đẹp và lãng mạn như ở Hàn Quốc.
Bến Hàn Quốc chiều tà (Ảnh: ST)
Đường Thanh Niên
Hà Nội còn đẹp ở những con đường và đường Thanh Niên bên hồ Tây chính là một con đường như thế. Con đường này ngày trước được gọi là đường Cổ Ngư, sau này Bác Hồ đã đổi tên thành đường Thanh Niên. Con đường rợp bóng cây, hai bên là hai hồ nước đẹp đến thẫn thờ khiến ai đi qua cũng thấy lòng bình yên lạ. Vào những buổi chiều cuối tuần, người dân thường đến bên vỉa hè con đường này, ngồi trên ghế đá ngắm mặt nước rung rinh, ánh nắng rọi xuống lóng lánh và nên thơ, bình yên đến nghẹt thở.
Nắng in mặt nước hồ Tây lấp lánh (Ảnh: ST)
Đầm sen
Ngay ở hồ tự nhiên lớn nhất Hà Nội này, bạn cũng được thả dáng dịu dàng trong tà áo dài bên hoa sen mỗi mùa sen nở. Hoa sen, giản dị như con người, như cuộc sống và nhịp sống thủ đô vậy. Cứ vào mùa sen nở, hồ Tây dịu dàng hơn bởi màu hồng thắm phủ cả một góc hồ. Đây cũng là lúc, một lần nữa, Hà Nội xưa trở lại trong những tà áo dài trắng của các thiếu nữ bởi các nữ sinh ai cũng mong muốn có một tấm ảnh thật nữ tính bên những bông sen đang khoe sắc thắm.
Bóng dáng áo dài trắng bên hoa sen thật “Hà Nội” (Ảnh: ST)
Những món ăn nổi tiếng xung quanh hồ Tây
Bánh tôm
Nhắc đến Hà Nội thì không thể không nhắc đến món bánh tôm trứ danh từ xưa đến nay. Ngày xưa, bánh tôm thường được bán ở những gánh hàng rong ở đường Cổ Ngư (đường Thanh Niên). Thế nên dần dần nhắc đến các món ăn quanh hồ Tây, món đầu tiên người ta nghĩ đến sẽ là bánh tôm. Tôm để làm món ăn này phải là tôm được đánh bắt từ Hồ Tây, được đem chiên cùng một lớp vỏ bánh giòn tan.
Món bánh tôm hồ Tây (Ảnh: ST)
Bún ốc
Bún ốc ở con phố Thụy Khuê, khu vực trường Chu Văn An đã nổi tiếng từ lâu đối với những người sành ăn hay những người dân địa phương. Người ta yêu thích món bún ốc ở đây không phải chỉ bởi vị vì ngon, đậm đà, ngọt xương, thanh mát của ốc cùng vị chua chua từ cà chua mà còn bởi món ăn được chế biến rất kĩ càng, sạch sẽ và kĩ lưỡng. Món ăn này sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho mọi người trong những ngày thu – đông.
Bún ốc hồ Tây (Ảnh: ST)
Kem dừa
Dọc đường hồ Trúc Bạch sở hữu rất nhiều quán kem dừa trứ danh được người dân Thủ đô thích thú. Món ăn với vị bùi bùi, thơm thơm rưới thêm một chút siro cùng view nhìn ra hồ vô cùng thoáng đãng và thơ mộng, yên bình. Ngoài ra, bạn cũng có thể mua kem ốc qué nổi tiếng ở đường Thành Niên, món ăn vốn lúc nào cũng đông cứng khách là cả người dân địa phương lẫn khách quốc tế.
Kem dừa (Ảnh: ST)
Những hoạt động giải trí ở hồ Tây
Cafe ở Hồ Tây
Đôi khi, khói bụi, tắc đường Hà Nội làm bạn quên đi danh xưng thành phố của “nhịp sống thong thả” thì hãy đến hồ Tây, ghé vào một quán cafe đèm đẹp nào đó, tận hưởng quãng thời gian lười biếng bên tách cafe hay trà chiều, ngắm nhìn xa xa, đọc một cuốn sách hay hàn huyên câu chuyện cũ với những người bạn, bạn sẽ thấy Hà Nội chưa bao giờ bình yên đến vậy. Một số quán cafe nổi tiếng xung quanh hồ Tây như Maison de Tet Decor, Maison de Blanc, LeMarz Coffee Roastery, 6 Degrees, Platform coffee & cake…với kiến trúc và lối decor đẹp và lãng mạn.
Ngồi cafe và hàn huyên câu chuyện cũ (Ảnh: ST)
Đạp xe
Chiều chiều, rất nhiều người dân địa phương lẫn du khách nước ngoài thường đạp xe một vòng hồ, vừa ngắm cảnh yên bình vừa rèn luyện sức khỏe dẻo dai. Quanh hồ Tây cũng có rất nhiều khu vực có các dụng cụ để tập thể dục miễn phí nên người dân quanh hồ rất hay ra đây tập vào buổi sáng tinh mơ hay xế chiều.
Đạp xe hồ Tây là một hoạt động phổ biến ở đây (Ảnh: ST)
Đạp vịt
Hồ Tây lãng mạn cũng là nơi hẹn hò quen thuộc của các đôi trẻ, người ta đến đây, ngồi bình yên bên nhau ngắm cuộc sống chậm chậm trôi hay ngồi trên những chiếc thuyền vịt, vừa di chuyển vừa chuyện trò tâm sự.
Đạp vịt hồ Tây (Ảnh: ST)
Đi chơi công viên nước hồ Tây
Công viên nước với những trò chơi vui nhộn cùng một góc tường đối diện hồ được lấy cảm hứng trang trí từ thành phố Santorini xinh đẹp của Hy Lạp cũng tạo nên một điểm nhấn thú vị cho hồ Tây. Đây sẽ là địa điểm tuyệt vời cho các gia đình đến vui chơi và ngắm cảnh vào những dịp lễ hay cuối tuần.
Công viên nước hồ Tây từ trên cao (Ảnh: ST)
Giữa những lo âu thường nhật, những xô bồ của cuộc sống, hồ Tây và nét yên bình, nhẹ nhàng của nó thật làm con người ta nhẹ lòng. Thế mới có câu chuyện, những người con xa Việt Nam lâu lâu nhớ quê hương thì hình ảnh những chiều hồ Tây vẫn thi thoảng hiện về trong tâm trí.