Ðưa nghệ thuật tuồng đến với giới trẻ

Một trích đoạn tuồng cổ do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam biểu diễn.

Em Nguyễn Vân Hà, học sinh Trường tiểu học Thanh Xuân Nam (Hà Nội), được mẹ đưa đến Rạp Hồng Hà xem chương trình biểu diễn tương tác “Tìm về những giá trị văn hóa truyền thống”. Lần đầu được xem trích đoạn Trần Quốc Toản ra quân, Vân Hà vô cùng ngạc nhiên và thích thú. Trước khi đến rạp, em không mấy hào hứng, nhưng thông qua những tích truyện, trích đoạn tuồng, Vân Hà phần nào hiểu hơn về lịch sử đất nước, hiểu những giá trị giáo dục, lòng yêu nước…

Không chỉ Vân Hà mà nhiều em nhỏ hôm đó khá hào hứng khi được tham gia tương tác với các nghệ sĩ tuồng. Vừa xem các nghệ sĩ hóa trang trước giờ diễn, các em vừa trò chuyện, được nghe giới thiệu về hát, múa, diễn trong nghệ thuật tuồng, giải thích và phân tích ý nghĩa về cách hóa trang mặt nạ, nét vẽ, mầu sắc theo từng tính cách nhân vật cũng như âm nhạc tuồng truyền thống.

Việc khán giả tương tác với nghệ sĩ cũng như tham quan phòng trưng bày nghệ thuật tuồng truyền thống của Việt Nam tại Rạp Hồng Hà giúp công chúng có những kiến thức cơ bản về quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật tuồng. Khi xem những trích đoạn tuồng như Lân mẫu xuất lân nhi, Ôn Ðình chém Tá… các em đã mạnh dạn giao lưu với nghệ sĩ, đặt những câu hỏi tìm hiểu ý nghĩa của các trích đoạn tuồng.

Tuồng là bộ môn nghệ thuật cung đình, phát triển mạnh mẽ thời nhà Nguyễn, từng được coi là quốc kịch. Tuy nhiên, không “cạnh tranh” được với sự phát triển của các loại hình giải trí khác, tuồng dần vắng bóng người xem. Nghệ thuật tuồng đang khó khăn để đến được với đông đảo người xem, vậy nên sự có mặt của các khán giả với nhiều độ tuổi là tín hiệu vui...

Chia sẻ sau chương trình biểu diễn, NSƯT Nguyễn Văn Thủy, người nặng lòng với tuồng cho biết: Ðể hát một câu tuồng, múa một động tác tuồng không đơn giản, vẽ một mặt tuồng cũng rất kỳ công. Những nghệ sĩ có thâm niên như ông, vẽ một mặt tuồng khoảng 30 phút, nhưng thế hệ trẻ phải mất hai tiếng. Nghệ sĩ tuồng phải như những họa sĩ, khi hóa thân nhân vật nào phải biết hóa trang nhân vật đấy, phải hiểu và thể hiện được đúng tính cách của nhân vật.

Sự phát triển của xã hội kéo theo các loại hình giải trí phát triển mạnh mẽ, trong khi tuồng vẫn phải giữ vững các yếu tố truyền thống, rất khó để làm mới. Ðây là vấn đề khó khăn và việc tìm hướng đi cho tuồng là trăn trở của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam. Nhà hát đang thực hiện chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về đưa nghệ thuật truyền thống vào giới thiệu tại một số trường học phổ thông và đại học với những trích đoạn tuồng cổ đặc sắc. Hoạt động này cũng nằm trong chủ trương phát triển khán giả là giới trẻ để truyền cảm hứng về nghệ thuật tuồng và trở thành thường niên trong kế hoạch công tác của nhà hát.

Bên cạnh đó là các chương trình biểu diễn chuyên đề ngoại khóa “Chúng em cùng xem và tìm hiểu nghệ thuật tuồng”, giới thiệu với học sinh về các loại tuồng truyền thống, tuồng lịch sử, tuồng dã sử, tuồng dân gian. Với diễn xuất cuốn hút, hấp dẫn, các vở diễn đã nhận được phản hồi tích cực khi khán giả trẻ hào hứng ủng hộ. Ðây là cách quảng bá hiệu quả, góp phần xây dựng lực lượng khán giả trẻ, giúp các em có cơ hội tiếp xúc và thêm yêu mến loại hình nghệ thuật này, từ đó có ý thức hơn trong việc tìm hiểu, nghiên cứu và quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật tuồng.

Việc chủ động giới thiệu tuồng với lớp trẻ là hướng đi mới giúp nghệ thuật tuồng đến với công chúng. Ngoài lịch diễn cố định hằng tuần phục vụ khách du lịch tại Rạp Hồng Hà, Nhà hát Tuồng Việt Nam còn có các chương trình tương tác tìm hiểu, khám phá nghệ thuật tuồng truyền thống hay những buổi diễn đưa tuồng đến những sân khấu mở trên phố đi bộ Mã Mây (Hà Nội) tối thứ sáu và chủ nhật hằng tuần… giúp người dân gần gũi hơn với tuồng. Với những nỗ lực tìm hướng đi mới chắc chắn nghệ thuật tuồng sẽ khẳng định lại được vị trí, tìm được chỗ đứng trong lòng người yêu sân khấu.

key:comment