Lưu ngay 5 lễ hội lớn nhất ba miền nhân dịp Tết đến xuân về

Từ Bắc chí Nam, người dân mỗi vùng miền lại tổ chức lễ hội dựa trên đời sống, sản xuất, văn hoá và những sự tích riêng của họ. Đó là những nét đẹp vô giá về tinh thần, tâm linh, mang theo nhiều nguyện cầu, mong ước.

Kinh nghiệm đối với du khách thập phương khi có ý định trẩy hội là tham khảo trước thông tin về thời gian, địa điểm và quan trọng nhất là tìm hiểu thật kĩ về câu chuyện văn hoá, lịch sử để tránh được những điều mà người dân địa phương kiêng kị trong đầu năm mới.  

Lễ hội truyền thống Việt những nét đẹp vô giá về tinh thần, tâm linh, mang theo nhiều nguyện cầu

1. Lễ hội Căm Mường (Đầu tháng Giêng đến mùng 3 tháng 3 Âm lịch)

Dân tộc Lự ở Lai Châu mang trong tâm thức tín ngưỡng về thần sông, thần núi, thần khe, thần suối và thần rồng. Rằng cuộc sống của họ có ấm no, đủ đầy hay không là nhờ các vị thần che chở. Chính vì thế, họ tổ chức lễ hội Căm Mường để dâng lễ vật tạ ơn thần linh và cầu nguyện cho một năm sung túc, điều lành ở lại, điều dữ mang đi.

5 lễ hội truyền thống Việt Nam khắp 3 miền nhân dịp Tết đến xuân về

Nhừng người đàn ông trong mỗi gia đình đại diện tham gia lễ cúng thần linh theo đúng tập tục

Đây là một lễ hội truyền thống Việt Nam đặc sắc của người dân vùng cao mà rất nhiều du khách mong muốn được chứng kiến một lần trong tiết đầu xuân. Vì thế mà Lai Châu thời gian này rất thu hút khách tham quan.

Lễ vật dâng thần linh tuy mộc mạc nhưng lại chứa đầy sự tỉ mỉ và được thực hiện theo nghi thức trang trọng. Mâm lễ vật bên cạnh hoa quả, rượu thịt thì còn có 18 chiếc thuyền giấy màu xanh lá và màu vàng. Màu xanh là tượng trưng cho rừng núi bạt ngàn, màu vàng là những cánh đồng lúa chín trổ bông, hình ảnh của một năm được mùa, no ấm.

Mỗi gia đình sẽ cử một người đại diện là đàn ông đi tham gia phần cúng lễ, khi về sẽ mang lộc cho những người ở nhà. Nghi thức cúng lễ có 4 phần: lễ thỉnh thần, lễ khẩn cầu, lễ Căm Mường và các nghi lễ kết thúc. Tất cả được tổ chức ở một gốc cây to trong bản làng.

Người chủ lễ phải là các bậc cao niên, uy tín, được người dân kính trọng. Người Lự không sử dụng khèn, sáo, trống hay bất kỳ một loại nhạc cụ nào trong phần lễ vì họ cho rằng những âm thanh ấy sẽ làm ảnh hưởng đến sự thần bí và linh thiêng của thần linh.

Đẩy gậy là trò chơi mà không chỉ cần sức mạnh mà còn phải khéo léo mới có thể thắng được người Lự

Phần hội theo sau diễn ra rất đặc sắc với màn thổi sáo mẹ, sáo con của những chàng trai, hoà theo tiếng hát ca của những cô gái. Ngoài ra, hội còn có trò chơi ném còn quen thuộc, đẩy gậy, đá gối, té nước giải đen. Người dân tộc Lự trong những ngày này sẽ vui chơi hết mình để tận hưởng trọn vẹn niềm vui trước khi bắt đầu cuộc sống thường ngày.

Khách du lịch trong những ngày này có thể chứng kiến các nghi lễ truyền thống đặc sắc lần đầu tiên trong đời. Tuy nhiên, người Lự lại kiêng không cho người lạ vào nhà nên du khách sẽ phải thuê khách sạn ở xung quanh. Dù vậy, bạn vẫn được tự do tham gia phần hội vui tươi, sôi động đúng chất núi rừng.

Mặc dù là nam nhi nhưng việc không khéo léo và thăng bằng, khách du lịch vẫn thua các cô gái Lự chỉ trong vài giây đầu

2. Lễ hội Chùa Hương (kéo dài từ mùng 6 Tết đến hết tháng 3 âm lịch)

Không có một năm nào mà lễ hội truyền thống Việt Nam này không là tâm điểm được cả nước chú ý, đặc biệt là nhân dân các tỉnh phía Bắc. Khi cửa rừng Hương Sơn mở ra, hoa nở tràn núi đồi và vạn vật chìm trong màn sương huyền ảo, huyện Mỹ Đức, Hà Nội lúc này ngày cũng như đêm, các chuyến đò ở bến Đục không bao giờ thôi tấp nập khách.

Người dân rủ nhau đi trẩy hội tấp nập khiến bến Đục, suối Yến rộn ràng trong tiết đầu xuân.

Người Hà Nội thường trẩy hội chùa Hương trọn vẹn trong một ngày. Họ bắt đầu sắm lễ sẵn và xuất phát từ đêm để đường xá thông thoáng và kịp về trong chiều.

Chùa Hương tương truyền là nơi đất Phật linh thiêng, nơi Bồ Tát Quan Thế Âm ứng hiện tu hành nên chỉ cần thành tâm hướng Phật, mọi nguyện cầu nhân dịp đầu xuân sẽ thành hiện thực. Hơn nữa, quần thể chùa Hương là một tổng thể tín ngưỡng tại Việt Nam quy tụ Đạo, Nho giáo và Phật giáo với nhiều đền, chùa, miếu nổi tiếng cùng nhiều truyền thuyết huyền bí.

Quẩn thể chùa Hương gồm bến Đục, suối Yến, đền Trình, núi Ngũ Nhạc, chùa Thiên Trù, động Hương tích, suối Giải Oan, đền Cửa Vòng, chùa Cả và nhiều di tích tâm linh khác. Từ bến đò, người dân thường men theo đường núi để ghé thăm các đền, miếu dọc đường và cuối cùng là chùa Thiên Trù và động Hương Tích. Nếu không thể leo núi, bạn có thể chọn cáp treo tuy nhiên, bạn sẽ bỏ qua nhiều điểm tham quan dọc đường.

Quần thể chùa Hương gồm nhiều ngôi chùa linh thiêng

Chùa Thiên Trù là nơi diễn ra phần lễ chính với nhiều nghi thức cúng Phật linh thiêng và trang trọng, luôn nghi ngút khói hương quanh năm.

5 lễ hội truyền thống Việt Nam khắp 3 miền nhân dịp Tết đến xuân về

Sân chùa Thiên Trù nghi ngút khói hương và chật kín tăng ni, Phật tử khắp mọi nơi đổ về để chứng kiến những nghi lễ cúng Phật trang trọng nhất

Mệnh danh là “Nam Thiên đệ nhất động”, tức động đẹp nhất trời nam với dáng hình con rồng chúa đang há miệng vờn ngọc, động Hương Tích là quần thể hàng vạn nhũ đã nhấp nhô tạo nên những hình ảnh kì bí như bầu sữa mẹ ngày đêm tí tách nhỏ giọt, đụn gạo, đụn vàng, đụn tiền, núi cô, núi cậu, cây vàng và cây bạc. Người dân quan niệm rằng sau khi lễ tượng Phật Bà Quan Âm bằng đá xanh, tạc vào thời Tây Sơn Cảnh Thịnh năm thứ hai (1793), đi một vòng trong động và sờ tay vào những tạo hình của nhũ đá thì cả năm sẽ ấm no và sung túc.

5 lễ hội truyền thống Việt Nam khắp 3 miền nhân dịp Tết đến xuân về

Động Hương Tích những ngày này người đi lễ rất đông nhưng ai cũng kiên nhẫn leo hết chặng đường dài để xuống được lòng động, thành tâm lễ Phật

Phần hội tại Chùa Hương rất nhộn nhịp với các hoạt động như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn tại sân chùa hay sân nhà tổ với các động tác chèo đò, những đoạn hát lục bát vần điệu liên quan đến tích nhà Phật.

5 lễ hội truyền thống Việt Nam khắp 3 miền nhân dịp Tết đến xuân về

Sân chùa Thiên Trù mỗi năm lại rộn ràng những tiết mục văn nghệ ca ngợi truyền thống dựng nước, giữ nước của cha ông

 

Các tiết mục hoặc cuộc thi văn nghệ mang âm hưởng dân ca Bắc Bộ luôn là tâm điểm của ngày hội

Căn cứ theo sự phân bố các điểm di tích thắng cảnh, hình thành nên 3 tuyến tham quan:

* Tuyến thứ nhất: Tuyến chính – Tuyến hương Tích

Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Tiên Sơn – Chùa Giải  Oan – Đền Cửa Võng –

Động Hương Tích – Động Hinh Bồng – Động Đại Binh

* Tuyến thứ hai: Tuyến Thanh Sơn Hương Đài

Hang Sơn Thuỷ Hữu Tình – Chùa Thanh Sơn – Động Hương Đài – Chùa Long Vân  Động Long Vân – Chuà Cây Khế

* Tuyến thứ ba: Tuyến Tuyết Sơn

Đền Trình Chùa Tuyết Sơn – Chùa Bảo Đài – Động Ngọc Long – Chùa Cá

Đầu năm trẩy hội chùa Hương với mong ước cả năm hạnh phúc, ấm no

Để đi hết được cả quần thể chùa Hương thì một ngày là không đủ. Người Hà Nội chọn cách mỗi năm ghé chùa Hương và tìm đến những di tích tâm linh khác nhau để có thể thưởng trọn vẹn cảnh Hương Sơn hùng vĩ mà thanh tao, huyền bí.

3. Hội Lim (từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng âm lịch)

Đây là lễ hội lớn nhất tỉnh Bắc Ninh nổi tiếng với làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào, trữ tình và sâu lắng, điển hình của vùng Bắc Bộ.

Hội Lim đến nay được đánh giá là gìn giữ bền vững những nét đẹp của lễ hội truyền thống Việt Nam này được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nhiều du khách thập phương đã tìm đến hội Lim để được sống trong một không gian có đủ tiết xuân, âm nhạc, thơ ca, trang phục và cả những trò chơi dân gian vui nhộn.

Nhiều du khách thập phương đã tìm đến hội Lim để được sống trong một không gian văn hóa Việt.

Các làn điệu quan họ với nội dung ca ngợi công lao dựng và giữ nước của các anh hùng dân tộc, hát về cảnh đẹp đồng quê, về sản xuất lao động và hát về tình yêu đôi lứa. Từ hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng đều khiến làm say đắm lòng người.

Tấm áo mớ ba mớ bảy điển hình của trang phục truyền thống vùng Bắc Bộ đẹp dịu dàng mà duyên dáng.
Sân đình lại tấp nập nhiều nhóm hát quan họ của các làng, các gia đình

Tại một hồ nước sát bên cánh đồng làng Lim, chiếc thuyền rồng được sơn son thiếp vàng rời bến trong âm nhạc và những câu hát. Một bên thuyền là các liền chị, đối diện là những em nhỏ xinh xắn trong những tà áo tứ thân. Các liền anh sẽ đứng hoặc ngồi sát hai phía đầu và cuối thuyền cùng nhau đối đáp, tung hứng cho nhau qua từng giai điệu.

Ngoài ra, du khách được trực tiếp tham gia vào các trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm. Khi hội Lim kết thúc, những làn điệu dân ca trong trẻo và hình ảnh những cô gái Bắc Bộ trong tà áo mớ ba mớ bảy sặc sỡ sẽ lưu giữ mãi trong kí ức của mỗi người.

 

Đu Tiên – trò chơi truyền thống mạo hiểm được nhiều người yêu thích

 

 

4. Lễ hội Cầu Ngư (Ngày 12 tháng Giêng âm lịch)

Trong khi đó ở miền Trung, những ngư dân tại Thừa Thiên Huế lại tất bật chuẩn bị cho lễ hội cầu ngư, một nghi lễ quan trọng cầu cho sóng yên biển lặng, tôm cá đầy ghe và cuộc sống người chài lưới thêm sung túc.

Ba năm một lần, lễ hội Cầu Ngư được tổ chức còn là cách mà người dân làng Thai Dương Hạ, xã Hải Dương, Thị xã Hương Trà tỏ lòng tưởng nhớ vị thành hoàng của làng Trương Quý Công (biệt danh của Trương Thiều), người gốc Thanh Hoá có công dạy cho dân nghèo đánh cá và buôn bán ghe mành.

Thanh niên trong vùng khiêng chiếc thuyền sặc sỡ tượng trưng cho việc xuất hành ra khơi đầu năm

Phần hội ở đây rất đặc biệt với nhiều trò diễn hài hước, phòng khoáng nhưng tái hiện toàn bộ của sống của người dân địa phương. Tại sân đình, người dân diễn trò bủa lưới, trò quệ, giạ xúc ruốc, bủa lưới nậu lưới… Đám trẻ trong làng sẽ mặc trang phục hoá trang thành những con cá nhỏ, người lớn thì quây thành vòng tròn tượng trưng cho hình ảnh người ngư dân đánh bắt được cá, giữ và không có cá thoát ra.

Sau khi đánh bắt, “cá” được đem đi cúng Thành Hoàng, cá thì được đưa ra chợ bán. Người dân tái hiện lại cảnh những chợ cá tấp nập người mua kẻ bán, trả giá, trả tiền, chia tiền bán được xôn xao, tấp nập. Kết thúc hoạt cảnh diễn trò cầu ngư là hình ảnh những con tàu đánh bắt xa khơi của ngư dân trở về bến với cá, tôm, mực đầy khoan, báo hiệu một mùa bội thu. 

 

Đám trẻ sắm vai những chú cá mắc lưới reo hò trong ngày hội

Dù tái hiện lại cuộc sống đời thường xong cách diễn tả lại hài hước, vui nhộn nên không khí lễ hội ở đây rất đặc biệt, khiến người xem phải bật cười. Lễ hội Cầu Ngư hầu như địa phương giáp biển nào cũng tổ chức song lễ hội tại Huế thì hài hước và đặc biệt nhất.

Những hoạt động và cách gọi tên này nếu không phải ngư dân thì bạn khó mà hiểu hết được. Thông thường, du khách thường hoà mình vào dòng người, xem đến đâu, người dân địa phương sẽ rất vui vẻ giải thích đến đó.

Một cụ già gánh 2 “chú cá” vừa đánh bắt được ra chợ bán

Lễ hội Cầu Ngư còn có cuộc thi đua trải sôi động, quy tụ rất nhiều tay chèo xuất sắc của vùng. Trải là những chiếc ghe có thể tháo rời các bộ phận, thường được làm bằng các loại gỗ quý hiếm và dùng nhiều kỹ thuật chuyên môn của thợ làm trải. Cuộc đua trên phá Tam Giang cũng sôi động và náo nhiệt không kém gì những trận cầu lớn.

5. Lễ hội Núi Bà Đen (từ chiều 30 Tết Nguyên Đán đến hết tháng 2 âm lịch)

Phương Nam ấm áp trong dịp đầu xuân, người dân lại rủ nhau lên Núi Bà Đen ở Tây Ninh để viếng Bà, nguyện cầu năm mới an khang, thịnh vượng, tài lộc. Đặc biệt, trong ngày Rằm tháng Giêng, miếu thờ bà hầu như chật cứng người đến hành hương, bái lễ kết hợp với thăm thú phong cảnh. Đây là điểm du lịch linh thiêng mà người dân tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đổ về rất đông.

Từ chân núi đi lên, rất nhiều chùa chiền, miếu, hang động và tượng như Điện Bà, Chùa Phật, Động Thanh Long, Động Huyền Môn, Động Kim Quang, Hang Gió, Tháp Tổ nhưng Điện Bà là đông nhất, quanh năm nhang khói nghi ngút.

Đầu năm, người dân lại rủ nhau lên Núi Bà Đen ở Tây Ninh để viếng Bà, nguyện cầu năm mới an khang, thịnh vượng, tài lộc

Sở dĩ, núi Bà Ðen xuất phát từ một truyền thuyết về một người con gái tên Ðênh (sau gọi chệch sang là Ðen) sùng bái Phật đạo. Bà là con một viên quan trấn thủ người Miên. Do từ chối ép duyên với con quan trấn vùng Trảng Bàng, bà bỏ nhà lên núi xuất gia cầu đạo và chết ở đó. Sau này triều đình nhà Nguyễn đã cho đúc tượng đồng đen và sắc phong cho bà là “Linh Sơn Thánh Mẫu” được người dân sùng bái.

Điện Bà nằm ở lưng chừng núi với bức tượng Bà được tạc bằng đồng đen, khoác trên mình y phục lộng lẫy và trang sức lấp lánh. Leo bộ lên núi viếng Bà là cách mà người dân thể hiện lòng sùng kính. Bên trong điện lúc nào cũng mát rượi dù cho bên ngoài có nắng nóng thế nào. Với những thương nhân, họ quan niệm rằng đầu năm đến viếng và “vay mượn” Bà, nhờ vìa Bà, lộc Bà, cả năm sẽ làm ăn thuận lợi, tài lộc kéo về rồi đến ngày vía Bà đi trả lễ, tạ ơn Bà.

Tượng Phật niết bàn to lớn và trắng muốt trên núi Bà Đen

Tượng Phật niết bàn trên núi Bà Đen nằm bình yên, trắng muốt mang lại cảm giác tịnh tâm và an lành cho du khách.

Gần đỉnh núi là miếu Sơn Thần. Sau chặng đường leo núi, cảm giác lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh thực sự rất kì diệu với nhiều đám mây bay dưới chân. Chặng đường đòi hỏi kiên nhẫn và thử thách này thích hợp với những bạn trẻ muốn chinh phục nóc nhà Nam Bộ. Tầm mắt thì hướng ra, bao quanh hồ Dầu Tiếng đẹp thơ mộng và những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay là bức tranh đồng quê bình yên đến lạ trong lòng du khách.

Chinh phục đỉnh Núi Bà Đen, nóc nhà Nam Bộ, bồng bềnh trên mây

Nhiều du khách đã cố gắng leo lên đỉnh núi để có thể tận hướng bình mình buổi sáng một cách chân thật nhất

Khung cảnh vừa thực vừa ảo khi hoàng hôn buông xuống từ đỉnh nủi Bà Đen

Từ Tây Ninh, sau khi tham dự lễ hội, du khách thường mua về rất nhiều đặc sản như bánh tráng, muối tôm, bánh canh Trảng Bàng, nem bưởi hoặc mắm me nổi tiếng thơm ngon quên sầu. Vừa vãn cảnh đầu năm, vừa thưởng thức đặc sản chỉ có thể là những niềm vui giản dị mà ý nghĩa trong mùa xuân.

Từ Bắc chí Nam, những lễ hội truyền thống Việt Nam còn rất nhiều nhưng sẽ không thể giới thiệu hết trong một vài trang viết. Traveloka sẽ dần dần chia sẻ thêm nhiều lễ hội đặc sắc của các địa phương để bổ sung vào danh sách cho các bạn trẩy hội dịp tết đến xuân về.

key:comment